Phim Tam Ly

Rộ mốt vẽ 'áo' xe máy

- Trên đường phố Hà Nội, ngày càng thấy nhiều những chiếc xe máy cũ khoác "áo mới", vẽ theo nhiều trường phái, phong cách: Từ "hầm hố", thổ dân cho tới graffity…, có chiếc còn được vẽ tranh phố của Bùi Xuân Phái. Giá vẽ (còn gọi là "độ") xe chỉ 500 nghìn đến 4 triệu đồng/chiếc.
c
Sau khi được “độ”, xe khoác áo mới.

Trào lưu
"độ xe"

Vào google, gõ từ khóa “Vẽ xe” bạn được 4.610 kết quả tìm kiếm. Trào lưu vẽ, trang trí xe máy ở Hà Thành nở rộ khoảng 2 năm trở lại đây. Khởi điểm từ thú sưu tầm, phục chế những con vespa cũ của đám người mê dòng xe sản xuất tại Italia này, rồi tới những tay chơi, chủ yếu là giới thanh niên, muốn “vợ” hay “chồng” của họ (cách gọi thân mật những chiếc xe được vẽ, còn gọi là “độ xe”), khiến người đi đường không thể không trầm trồ ngưỡng mộ. Những “cô nàng”, “cậu chàng” tầm tầm như Nouvo, Dream hay Vespa cổ đến dòng xe cao cấp như Spacy, LX, Dylan, SH... khi được “độ”, ít nhiều cũng hưởng chất “nghệ” từ chủ nhân của nó.

Những chiếc xe cũ, điển hình là vespa từ đống sắt vụn trong kho được đám “độ” mày mò thay đồ, sơn màu, thay áo... để rồi lại sung sức lượn lờ. Chủ của nó có thể vênh mặt hãnh diện khi con chiến mã là món “độc” trên phố. Mỗi nét vẽ trên xe là mỗi trường phái, mỗi phong cách. Từ hầm hố đầu lâu xương chéo, đầu bò, thổ dân cho tới vẽ graffity hoặc hoa lá cành, gắn đá…

Chiếc vespa cũ standa của Quách Thịnh từng khiến đám bạn phát ngán vì tiếng toạch toạch từ ống bô, vì màu sơn xanh lơ xỉn. Đùng một cái, "chiến mã" cũ kĩ trở thành món “độc”. Một hình vẽ cung Libra (cung thiên bình) to tổ chảng xuất hiện ngay trước mặt chắn gió. “Xe bị tróc miếng sơn ngay phía trước. Định bụng sơn lại cả xe nhưng được cô họa sĩ tư vấn, thế là mình “độ” lại bằng cách vẽ hình đè lên ngay chỗ tróc sơn. Tiện cả tam đường, hình lạ, xe “độc” và sơn nguyên bản vẫn giữ được”, Quách Thịnh giải thích.

Xe của Thịnh chỉ là một trong nhiều xe “độ” ngày ngày vẫn lượn lờ qua mọi ngóc ngách phố phường Hà Nội. Thi thoảng trên đường vẫn gặp một chiếc vespa có vỏ được “độ” nguyên bức tranh phố của Bùi Xuân Phái. Nghe đâu từ khi có “áo” phố cổ, chiếc xe lên giá gấp đôi, nhưng ông chủ không hề có ý định sang nhượng.

Hành trình… vẽ xe

Khó nhất với dân thợ vẽ là lên ý tưởng, tìm ra cách phối mảng màu phù hợp với màu sơn của chiếc xe cần “độ”. “Khi khách có nhu cầu “độ” lại xe, hai bên sẽ gặp nhau. Tiếp cận là để tìm hiểu “gu” của họ, từ đó đưa ra bản phác thảo những ý tưởng hình vẽ, mảng màu, hoạ tiết phù hợp, cân nhắc vị trí vẽ để hợp nhất với sở thích cũng như kiểu dáng xe của khách hàng”, là tâm sự của Duy, một thợ vẽ.


3-4 triệu là giá vẽ cho 1 chiếc xe độc đáo; bình dân hơn, giá dao động trong khoảng 500.000 - 1 triệu. Sau khi móc hầu bao, khách hàng ung dung nằm nhà chờ ngày mang xe về, còn thợ vẽ thì đau đầu suy nghĩ, miệt mài tay chân. Bởi “gu” mỗi người mỗi khác, nữ thích hoa lá cành, nam thì “ngợp” với những họa tiết mang chất bụi bặm như bò cạp, thổ dân, đầu lâu… Với hình đơn giản, thời gian để thợ “xử lý” chỉ khoảng 3 tiếng, nhưng với con xe cầu kỳ và cần kĩ thuật thì phải mất khoảng 4-5 ngày.

Để cho ra một sản phẩm bắt mắt, thợ vẽ phải tỉ mẩn đến từng chi tiết, không bỏ quên dù là chi tiết nhỏ nhất. Tò mò hỏi về các công đoạn độ xe vespa thì được Duy giải thích: “Khi độ kiểu giả cổ, sau khi vẽ hình mình sẽ lấy giấy ráp mịn đánh đi cho bạc rồi tút hình lại một lần nữa bằng màu. Như thế để vẫn mang dấu vết của thời gian. Nhiều khi vẽ tay hay ở những chỗ màu sơn được gợn nổi. Một vết xước của bút cũng tạo cảm hứng cho hình vẽ”.


Kinh nghiệm để dân “độ” xe nhận biết mình đã chọn được ông thợ “ngon” là khi hình vẽ hình thành thì sơn không bị chảy, hình vẽ đều tay, đường sơn đi một mạch…

Việc chọn sơn, chọn bút thì mỗi thợ mỗi bí quyết riêng, dĩ nhiên cũng phụ thuộc mức đầu tư và loại xe. Với vespa cổ thì sơn dầu tổng hợp của Thái là ưu tiên hàng đầu. Nhưng, gặp những cậu chàng, cô nàng “kén” và sẵn sàng chi trả để thay áo cho con xe tay ga đắt tiền thì Duy dùng sơn Nipon được, theo đúng tiêu chí… “tiền nào của nấy”. Thợ đều phải giữ miếng tỉ lệ pha sơn cùng dung dịch của riêng mình, bởi đó là sự khác biệt.

Bút vẽ được chọn cũng kì công. Thợ quen vẽ thường dùng bút lông mềm, chủ yếu là bút pentel. Nhưng với thợ vẽ Trà, cô sinh viên năm 3 ĐH Xây dựng ít nhiều có đủ kinh nghiệm trong việc “độ” xe thì phải chọn loại dẹt đầu cứng. “Vẽ bút đầu cứng dễ dàng hơn trong việc đi những họa tiết, những đường cong trên chỗ khó của vỏ xe”. Qua tay Trà, trên dưới 10 xe được “độ” lại, hình vẽ cung Libra cho con standa của Thịnh là một trong những "đầu ra" ưng ý nhất của cô.

Luật bất thành văn, nếu thợ “độ” xe kiểu cơ khí lấy những âm thanh chát chúa từ gõ khung, gò hàn làm cảm hứng thì dân vẽ lại coi trọng sự yên lặng. Yên lặng khi phóng tác thi triển ý tưởng hình vẽ lên xe. “Khi tĩnh tâm, yên lặng em sẽ vẽ hết mình hơn. Vẽ xe của khách lúc đó như chăm xe mình, không còn sự phân biệt”.

Đặc trưng chung nhất của dân thợ vẽ (chủ yếu là kiến trúc sư, họa sĩ cá tính) là thích thể hiện ý tưởng trên dòng xe tay ga hoặc dòng vespa cổ. “Phải nói thật, dòng xe vespa cả cổ lẫn hiện đại có diện tích để thể hiện nhiều nhất. Kiểu dáng không quá chi tiết, chủ yếu gợi tả đường cong và khối nên thuận tiện cho thợ cầm bút…”, Duy bật mí.


Lý thuyết là thế, nhưng để con xe sau khi “độ” là tâm điểm chú ý của thiên hạ thì không phải dễ. Cá tính, "nổi", là điều chủ xe đều muốn ở “vợ”, “chồng” của mình, nhưng kết quả lại có phần "may rủi" vì phụ thuộc phần nhiều vào óc sáng tạo của thợ vẽ. Ngay cả người trong nghề cũng hiểu độ là để người và xe cùng đẹp lên. Không phải cứ mang xe đi vẽ cho khác người đã là “nổi”, là “gu”. Lạm dụng không đúng cách đúng chỗ còn phản tác dụng. Vẽ lên xe không khác khác nào xăm mình, nên cả chủ lẫn thợ đều cần sự thận trọng trong tính toán vị trí, hình và kĩ thuật thực hiện. Đôi khi dân vẽ cũng phải chấp nhận tai nạn nghề nghiệp… Những vết chảy sơn, những phút bất cẩn để dung môi làm mờ sơn gốc, hay tẩy hơi quá tay khiến hình bị lem…


(theo Theo VNN)
Share this article :