Phim Tam Ly

Trào lưu độ xế tại Việt Nam (2)

Cho tới nay, có vẻ như mọi sự đều dễ dàng và suôn sẻ cho phong trào “độ” xe phát triển. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi. Với những gì dân chơi xe đã và đang vấp phải, chữ “độ” xe sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi dấu ngoặc kép trong tâm trí người Việt.


Ngày nay, khi chất lượng cuộc sống ở nước ta ngày một nâng cao, nhu cầu tiêu dùng của người dân tiến lên những bậc cao hơn. Xe tay ga nhập khẩu vẫn đang là mặt hàng bán chạy, những “ông vua” tốc độ như Suzuki Hayabusa hay “khủng” như Honda Rune cũng tụ họp về Việt Nam. Bên cạnh đó, những chiếc xe máy “độ” cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Dường như chẳng có lý do gì để trào lưu xe “độ” cũng phát triển như làn sóng xe tay ga và môtô phân khối lớn. Thế nhưng, nếu so sánh về trình độ và quy mô, phong trào “độ” xe máy ở Việt Nam vẫn thua xa các nước bạn trong khu vực. Dân “độ” xe ở nước ta còn vấp phải khá nhiều hạn chế.

Trước hết, chất lượng dịch vụ của các cơ sở “độ” xe chưa đủ thỏa mãn nhu cầu chơi xe. Trong khi ở Thái Lan có cả những “siêu thị” phụ tùng xe “độ” thì hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ này ở nước ta đều là các doanh nghiệp nhỏ, chủng loại mặt hàng không nhiều, và đều là hàng nhập khẩu chứ không tự sản xuất được. Gọi là các xưởng “độ” xe thì chưa đúng, vì phần nhiều các cơ sở này chỉ dừng lại ở cung cấp phụ tùng, chứ không cung cấp các dịch vụ liên quan như tư vấn kỹ thuật, lắp đặt, kiểm tra an toàn và bảo dưỡng.

Việc không có bộ phận tư vấn khách hàng cũng gây ra lắm tình huống dở khóc dở cười, khi dân “độ” tự mình biến chiếc xe thành một phương tiện không giống ai mà lại thiếu an toàn. Chẳng hạn, phương pháp “độn phuộc” tạo cho đuôi xe dáng vểnh cao: nếu lạm dụng sẽ làm cho phần đuôi xe vươn quá cao, khoảng cách 2 trục ngắn lại, xe nhìn rất mất cân đối, yên lại quá cao và dốc. Ngoài ra, còn chưa xét đến độ an toàn khi phanh gấp. Nhiều chiếc xe “độ” bị dán đề can đến vô tội vạ, hài hước như kiểu “Hybrid”, “AC Schnitzer”, hay thậm chí “4WD”!


Dán đề can kiểu vô tội vạ: từ "động cơ hybrid" cho đến "dẫn động 4 bánh"!

Trong 2 năm vừa qua, dân “độ” xe chứng kiến 2 cuộc thi Yamaha Customized Bike Contest do Yamaha Việt Nam tổ chức. Cuộc thi năm 2007 cho thấy những bước phát triển ở trình độ và độ phong phú của các loại phụ tùng. Tuy nhiên, quy mô cuộc thi vẫn nhỏ, chưa thu hút được nhiều sự chú ý từ giới truyền thông.

Một rào cản lớn nữa với các tay “độ” xe là pháp luật hiện hành. Điều 50 Khoản 2 Luật Giao Thông Đường Bộ Việt Nam quy định rõ, chủ xe không được phép tự thay đổi kết cấu tổng thành khác với thiết kế mà nhà sản xuất đưa ra. Bộ luật cũng quy định rõ, phương tiện tham gia giao thông phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Đa số các hàng “độ” xe ở nước ta vẫn lờ đi những điều khoản này. Vì thế, nhiều chủ xe “độ” thường xuyên bị lực lượng Cảnh sát Giao thông và Cơ động “hỏi thăm”. Anh Hoàng, chủ xưởng “độ” xe được cho là chuyên nghiệp nhất Hà thành, cho biết, anh đã bỏ nhiều công sức để dần dần hợp pháp hóa văn hóa “độ” xe, thông qua công ty Yamaha Việt Nam, làm việc với các cơ quan chức năng xin cấp phép lưu hành xe gắn máy “độ”, tuy nhiên, chưa đạt được kết quả khả quan.

Nỗ lực nhỏ nhoi của một cá nhân như vậy liệu có đủ để tạo cơ sở cho thú chơi xa xỉ này phát triển ở nước ta?


Cuộc thi Bike Contest ở Thái Lan

Dù mới chỉ được một bộ phận thanh niên biết đến, văn hóa “độ” xe hoàn toàn có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà kinh doanh phụ tùng nếu họ biết đồng tâm hiệp lực phát triển nó. Tuy nhiên, với quá nhiều hạn chế như vậy, thú chơi này có lẽ cũng sẽ sớm đi vào dĩ vãng như trào lưu chơi xe thể thao 2 kì ngày nào. Chữ “độ” xe sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi dấu ngoặc kép trong tâm trí người Việt.

(theo AutoPro)
Share this article :